Chuyển đổi số ngày nay được ví như “viên đạn bạc” – giải pháp nhanh chóng và căn cơ đưa những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vượt qua khủng hoảng, duy trì tính cạnh tranh để thích ứng và tồn tại.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gấp rút chuyển đổi số
Trong các bộ phim viễn tưởng, để chiến thắng quái vật người sói hung hãn, viên đạn bạc là giải pháp duy nhất của những tay thợ săn. Còn trong hiện thực, sự nguy hiểm của bệnh dịch và những biến cố kinh tế toàn cầu đã khiến các doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của việc nắm trong tay “viên đạn bạc chuyển đổi số”.
Ngày 13/5, các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ năm 2022 đã ra tuyên bố chung: Cam kết tiếp tục nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi như sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ chuỗi khối, thúc đẩy thương mại, kết nối số, chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của khối DNVVN giúp nền kinh tế mỗi quốc gia xây dựng và phát triển thành công hệ sinh thái số, nâng cao khả năng phục hồi và khả năng kiểm soát độc lập của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, đồng thời mang lại những thay đổi đổi phá về chất lượng, hiệu suất và sáng tạo.
Chuyển đổi số đặc biệt có lợi cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của DNVVN. So với các doanh nghiệp lớn, DNVVN có những hạn chế như: quy mô nhỏ, khả năng chống rủi ro yếu, không đủ nguồn vốn, thiếu thốn về công nghệ. Việc phát huy hết khả năng đo lường và kiểm soát chính xác của công nghệ số sẽ giúp DNVVN giảm thiểu tổn thất, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí. Mặt khác, chuyển số có thể giúp các DNVVN đối phó với những thách thức vừa và nhỏ ngay từ môi trường sản xuất và hoạt động kinh doanh nội bộ.
Chuyển đổi số cũng có tác động tích cực đến việc nâng cao mức độ hiện đại hóa của chuỗi công nghiệp cho các DNVVN. Là nhóm doanh nghiệp lớn nhất và năng động nhất, các DNVVN là lực lượng chính trong sự phát triển của nền kinh tế và là trung tâm trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tổng thể của ngành, nâng cao năng lực cơ bản của ngành và hiện đại hóa dây chuyền công nghiệp.
Với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin thế hệ mới trong đẩy mạnh chuyển đổi số, các DNVVN có thể thúc đẩy tính kết nối, chia sẻ và vận dụng linh hoạt những nguồn lực sản xuất như nguyên liệu, thiết bị, dây chuyền, nhân sự và công nghệ trong chuỗi công nghiệp, đồng thời mở rộng hoàn toàn việc phân phối, lưu thông và tiêu thụ các mắt xích chính, xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp linh hoạt, mềm dẻo và ổn định.
Mức độ sẵn sàng của nền kinh tế số
Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, nhưng quy mô hạn chế khiến các DNVVN gặp không ít rào cản: thiếu nguồn lực tài chính, không có nhân lực để thực hiện, không hiểu cách thức quản lý, do dự vì chưa có công nghệ và thiếu quyết tâm để duy trì quá trình chuyển đổi số.
Theo thống kê của Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2021, có đến 90% doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công.
Nhận thấy DNVVN đang là nhóm rất cần được “giúp đỡ” về chuyển đổi số, Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Tại phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính: đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Một trong những tác động nhanh chóng và dễ nhìn thấy trong quyết tâm phát triển kinh tế số là cuộc cách mạng thanh toán trực tuyến. Các giao dịch thương mại không dùng tiền mặt của cộng đồng DNVVN tăng theo cấp số nhân trên cả bình diện B2B (business to business – doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (business to consumer – doanh nghiệp với người tiêu dùng).
Một số quy định đã được đặt ra để thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, có thể kể đến như điểm b, khoản 1, điều 9 trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật”.
Sự gia tăng các giao dịch điện tử trong kinh doanh thúc đẩy các hệ thống nhận dạng điện tử, chẳng hạn như việc sử dụng chữ ký điện tử, chứng chỉ điện tử hoặc con dấu và hệ thống xác minh của bên thứ ba. Nhiều công ty đã ngừng chấp nhận hóa đơn vật lý và chỉ yêu cầu hóa đơn điện tử, các quy trình thủ công đã được chuyển đổi sang kỹ thuật số.
Doanh nghiệp làm gì để đẩy nhanh chuyển đổi số?
Để xây dựng mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, DNVVN cần xác định chiến lược phát triển chung với sự đầu tư phù hợp cho yếu tố con người và công nghệ.
Đầu tiên, các DNVVN cần xác định khung kỹ năng và năng lực của nhân viên buộc phải thay đổi. Lời khuyên cho doanh nghiệp là cần có tỉ lệ nhất định các nhân viên thành thạo tiếng Anh. Hai là, doanh nghiệp nên tích cực gia tăng tiếp xúc trải nghiệm số hóa các sản phẩm và dịch vụ trong ngành. Ba là, đội ngũ cấp quản lý phải được trang bị cơ sở kỹ thuật đầy đủ và tuyển dụng nhân sự chủ chốt am hiểu về nền tảng số.
Nhưng điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần làm, đó là chấp nhận cái mới, công nghệ mới, người lao động thế hệ mới. Khi doanh nghiệp coi con người là cốt lõi của phát triển, công tác đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu. Việc đào tạo phải “đi hai chân” – vừa đào tạo mới, vừa phải đào tạo lại. Với tốc độ phát triển và biến đổi không tưởng của bối cảnh kinh doanh hiện đại, các DNVVN cần chớp thời cơ nhanh và sớm. Các chính sách và đường lối của doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số, công nghệ số phải có tính cạnh tranh, phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam.
Tóm lại, nền kinh tế số dựa trên chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số. Chuyển đổi số không phải là công việc của giới công nghệ thông tin mà là công việc của các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin và chính phủ. Chuyển đổi số không thể thành công nếu nó không thay đổi từ con người, từ lãnh đạo và từ nghiệp vụ.